Việc lãi ròng của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng có sự thay đổi trước và sau khi kiểm toán không còn quá hiếm hoi trong những năm vừa qua. Do đó, nhiều nhà đầu tư thường có thói quen chờ đợi báo cáo kiểm toán chính thức rồi mới quyết định đầu tư.
Báo cáo kiểm toán bán niên 2019 của ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) công bố cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ còn 436 tỷ đồng, giảm 89 tỷ đồng, tương đương 17,1% so với con số gần 526 tỷ đồng theo báo cáo tự lập trước đó. Nguyên nhân chính sự thay đổi là ở thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể tại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2019, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hơn 25 tỷ đồng, tương đương 4,6% tổng lợi nhuận trước thuế, còn theo BCTC soát xét thì lên đến 114,5 tỷ đồng, xấp xỉ 20% lợi nhuận trước thuế.
Nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của ABBank cũng giảm 7,4%, trong đó giảm mạnh nhất là lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 51%, chỉ còn 177 tỷ đồng, trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối và lãi từ dịch vụ cũng giảm tương ứng 32,4% và 15,9%. Như vậy, có thể thấy các khoản thu nhập ngoài lãi sụt giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận của ABBank giảm so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 ở mức âm 5%, nhưng thu nhập lãi thuần của ABBank vẫn ghi nhận tăng trưởng 20,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,89% lên 2,27% nên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng 16,5% lên hơn 290 tỷ đồng.
Một trường hợp khác cũng chứng kiến lợi nhuận sau soát xét giảm so với trước kiểm toán là ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất soát xét chỉ còn 321 tỷ đồng, giảm 56 tỷ đồng, tương đương gần 15% so với con số 377 tỷ đồng đã báo cáo trước đó.
Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chính là nguyên nhân khiến lãi ròng của SeABank sau soát xét thay đổi. Trong BCTC hợp nhất quý II/2019 do ngân hàng tự lập trước đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 32,5 tỷ đồng, tương đương gần 8% so với lợi nhuận trước thuế, còn theo BCTC soát xét thì đến 88,3 tỷ đồng, chiếm hơn 21% lợi nhuận trước thuế.
Dù vậy, so với cùng kỳ thì lợi nhuận của SeABank ghi nhận sự tăng trưởng mạnh lên đến 54%, trong đó lãi từ dịch vụ tăng gấp 2,4 lần, từ 43 tỷ lên 149 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng 96% lên 61 tỷ đồng và thu nhập lãi thuần tăng 16,5% lên 1.424 tỷ đồng.
Ngược lại với trường hợp của ABBank và SeABank, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố lợi nhuận 6 tháng sau soát xét tăng hơn 89 tỷ đồng, cao hơn 17% so với trước khi kiểm toán. Nguyên nhân có sự chênh lệch này là do công ty kiểm toán điều chỉnh giảm hơn 111,4 tỷ đồng phần chênh lệch tỷ giá đối với các giao dịch kỳ hạn vốn đang được Eximbank phản ánh trên khoản mục chênh lệch tỷ giá thuộc vốn chủ sở hữu, dẫn đến thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng từ hơn 43 tỷ đồng lên gần 155 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, lãi ròng của Eximbank vẫn giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 611 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức hơn 521 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2018. Vì trong quý I/2018, Eximbank từng ghi nhận khoản thu hơn 500 tỷ đồng nhờ thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
----------------------------
Nguồn: DoanhnhanSaigon.vn
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!