Đi phỏng vấn việc làm, đa phần sinh viên không tránh khỏi những sai sót do thiếu kinh nghiệm. Dưới đây là một số mẹo nhỏ khi đến dự buổi phỏng vấn việc làm mà chị Kim Ngọc, một người có thâm niên trong việc phỏng vấn và huấn luyện nhân viên mới chia sẻ cho mọi người cùng tham khảo.
1. Tìm hiểu thông tin của công ty ở mức độ vừa phải.
Không giống như những tư vấn thường gặp rằng càng biết nhiều thông tin của công ty càng tốt, ta chỉ cần biết những thông tin cơ bản như: lĩnh vực hoạt động, qui mô – số nhân viên và các chi nhánh, tầm hoạt động (nội địa, quốc tế…), “mùi thơm” của thương hiệu. Thế là đủ.
Trong khi phỏng vấn, nếu ta cố gắng thể hiện cho nhà tuyển dụng biết ta quan tâm đến công ty và hiểu biết nhiều về công ty đến mức nào (dù nhằm thể hiện thiện chí), sẽ chỉ khiến cho người phỏng vấn cười khẩy về sự vụng về của ta, bởi điều đó vô tình tố cáo ta là người có tính thọc mạch. Đôi khi họ chau mày: “Nó” biết cả những điều xấu của công ty rồi.
2. Tìm hiểu vị trí công việc ở mức tối đa.
Thông qua bản mô tả vị trí đăng trên thông tin tuyển dụng, hãy tìm hiểu bằng cách ĐẶT CÂU HỎI trong khi phỏng vấn. Hầu như các bản mô tả vị trí công việc của nhà tuyển dụng cung cấp cho ứng viên đều THIẾU rất nhiều thông tin quan trọng – do sơ ý và cũng do cố tình. Một bản mô tả vị trí công việc đầy đủ phải gồm 3 nội dung:
1. Nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện hàng ngày, định kỳ hàng tuần/tháng/quí/…
2. Công cụ và phương tiện hỗ trợ trực tiếp cho người làm hoàn thành các nhiệm vụ trên.
3. Người giám sát trực tiếp và các cộng sự cùng thực hiện với mình để hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả.
Nội dung số 1 thường được công khai trên thông báo tuyển dụng, 2 nội dung sau hoặc có hoặc không, nhưng rất sơ sài. Tuy nhiên, đó chính là thông tin cho ta biết mức lương và phụ cấp có xứng đáng với mức độ áp lực trách nhiệm đè lên ta hay không. Vậy hãy tận dụng cơ hội phỏng vấn để làm rõ nội dung 2 và 3. Điều này giúp ta và nhà tuyển dụng đi đến một thỏa thuận công bằng, tránh cho ta những bực bội hoặc thiệt thòi sau này. Đặt câu hỏi trọng tâm vào 2 nội dung này cũng là ngầm nói với nhà tuyển dụng “Đấy, anh/chị đã hứa với em như thế, anh/chị phải giữ lời nhé.”
Câu hỏi gợi ý cụ thể là :
– Vị trí này em được sử dụng các công cụ gì? Phần mềm chuyên môn có không?…
– Vị trí này em có thường xuyên phải di chuyển, tần suất bao nhiêu /ngày, /tuần, /tháng ?
– Phương tiện di chuyển: Tự túc hay do công ty lo? Bằng xe, tàu, máy bay,…?
– Có thường đi công tác xa? Khi đi xa có được phụ cấp ăn, ngủ? Tiêu chuẩn bao nhiêu /ngày?
– Vị trí này có thường xuyên phải sử dụng điện thoại di dộng? Có phụ cấp chi phí này? Bao nhiêu?
– Có thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ? Hàng ngày? Hàng tuần? Trễ nhất đến mấy giờ? Có phụ cấp không?
– Em sẽ cùng cộng tác với bao nhiêu người để thực hiện việc này?…
Một chi tiết không nên bỏ qua : khi nhà tuyển dụng phỏng vấn ta, họ luôn có cuốn sổ bên cạnh và ghi chép lại những thông tin của ta. Vậy ứng viên cũng phải có cuốn sổ, ghi chép lại đầy đủ thông tin của nhà tuyển dụng. Mục đích của việc ghi chép là cho nhà tuyển dụng thấy “em sẽ không quên những điều anh hứa đâu nhé.“ Khi người phỏng vấn nhìn thấy ta ghi chép kỹ càng như thế, trong đầu họ nghĩ ngay “tay này không dễ để bị o ép đây!“ Họ sẽ có thái độ tôn trọng và sòng phẳng với ta.
Mở ngoặc chỗ này: Với dạng công ty gia đình theo kiểu cha làm giám đốc, mẹ là kế toán trưởng, con cháu làm nhân viên, thì có cố gắng bao nhiêu cũng là số 0. Vậy nếu bạn tự tin vào năng lực của mình thì đừng mất thêm thời gian ở những công ty dạng này. Nếu lỡ vào làm mới phát hiện ra thì sau thời gian thử việc, chủ động xin rút lui.
Cuối cùng, một câu hỏi của ứng viên khiến người phỏng vấn đánh giá là thông minh là: “Anh/Chị kỳ vọng NHẤT ở em điều gì?” Câu hỏi này CHỈ đặt ra khi kết thúc buổi phòng vấn trong không khí vui vẻ thỏa mãn giữa 2 bên, và có nhiều dấu hiệu hứa hẹn ta sẽ được tuyển vào. Nếu ta cảm thấy không hài lòng hay còn nghi hoặc với buổi phỏng vấn thì đừng hỏi câu này. Mục đích đặt câu hỏi này là để “đầu tư cho tương lai” khi ta được nhận vào công ty.
Theo Kim Ngọc gửi Ecoblade
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!