Điều 4 Quy chế bảo lãnh ngân hàng quy định khách hàng được bảo lãnh gồm có: doanh nghiệp nhà nước, các loại doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác liên doanh và tham gia các dự án đầu tư tại Việt Nam hoặc vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng, hộ kinh doanh cá thể.
Như vậy, căn cứ vào loại chủ thể và mục đích tham gia ký kết hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh, căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, các quy định của Bộ luật dân sự thì hợp đồng bảo lãnh ngân hàng và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng có thể là hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự.
Vấn đề được đặt ra là trong trường hợp phát sinh tranh chấp từ hợp đồng bảo lãnh ngân hàng hay từ hợp đồng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng thì có thể xem xét các tranh chấp này độc lập với hợp đồng chính (hợp đồng ký kết giữa bên nhận bảo lãnh với bên được bảo lãnh) hay không?
Trước đây, theo quy định của Nghị định số 17/HĐBT ngày 16/ 01/1990 của Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì việc xử lý tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh khi có vi phạm hợp đồng kinh tế được thực hiện cùng với giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 165/1999/NĐ - CP ngày 19/11/1999 về giao dịch bảo đảm thì quy định trên đây của Nghị định số 17/HĐBT hết hiệu lực thi hành. Đến nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề này.
Căn cứ vào quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, quy định của Bộ luật dân sự thì hợp đồng bảo lãnh ngân hàng (ký kết giữa tổ chức tín dụng với bên có quyền) và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng (ký kết giữa tổ chức tín dụng với bên được bảo lãnh) có thể là hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự. Mặc dù hiện nay ở nước ta, vấn đề cơ sở để phân định hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng không thể giản đơn mà cho rằng tất cả hợp đồng bảo đảm (giao dịch bảo đảm) đều là hợp đồng dân sự. Tuy các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật dân sự, nhưng pháp luật có các quy định mang tính phân biệt giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự. Bởi vậy, nếu xác định tất cả các hợp đồng bảo đảm nghĩa vụ (trong đó có hợp đồng bảo lãnh ngân hàng) là hợp đồng dân sự sẽ không phù hợp với pháp luật về hợp đồng kinh tế và pháp luật về hợp đồng dân sự. Ví dụ, nếu xem là hợp đồng dân sự thì sẽ không phù hợp với pháp luật hợp đồng kinh tế đối với trường hợp tổ chức tín dụng ký hợp đồng bảo lãnh với doanh nghiệp (bên nhận bảo lãnh) để công ty cổ phần (bên được bảo lãnh) dự thầu. Căn cứ vào Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì cả hợp đồng bảo lãnh ngân hàng và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng đều thoả mãn điều kiện của hợp đồng kinh tế, vì các bản hợp đồng trên đều được ký kết giữa các chủ thể kinh doanh, đều thoả mãn điều kiện là phải có một bên tham gia ký kết hợp đồng đủ tư cách pháp nhân và đều nhằm mục đích kinh doanh.
Mặc dù cùng mang tính phái sinh và phụ thuộc vào hợp đồng được bảo đảm (hợp đồng chính), nhưng do hợp đồng bảo lãnh ngân hàng và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng có cơ cấu chủ thể mà các quyền, nghĩa vụ tương ứng mang tính độc lập, nên về mặt tố tụng nếu xem tất cả các quan hệ tranh chấp từ các hợp đồng này phụ thuộc vào hợp đồng chính sẽ không hợp lý. Chẳng hạn, nếu tranh chấp phát sinh giữa tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh được xem là tranh chấp mang tính phái sinh, thì rõ ràng tổ chức tín dụng hoặc bên nhận bảo lãnh không thực hiện được quyền khởi kiện một cách độc lập. Mặt khác, nếu các bên tham gia hợp đồng bảo lãnh ngân hàng hoặc hợp đồng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng không có quyền khởi kiện độc lập và toà án không xem xét tranh chấp một cách độc lập với hợp đồng chính, thì vấn đề đặt ra là họ tham gia tố tụng với tư cách gì? Nếu xem họ là đồng nguyên đơn, đồng bị đơn hoặc chỉ với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan thì trong nhiều trường hợp họ không thể chủ động thực hiện các hành vi trong tố tụng như khởi kiện, tham gia phiên toà, kháng cáo để bảo vệ quyền lợi của mình. Chẳng hạn, tổ chức tín dụng và bên được bảo lãnh tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì rõ ràng tranh chấp này có tính độc lập về quyền, nghĩa vụ với hợp đồng chính nên có thể giải quyết một cách độc lập.
Những dẫn giải trên đây cho thấy, dựa trên cơ sở xác định các loại quan hệ hợp đồng liên quan tới bảo lãnh ngân hàng, cũng như nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh, thì pháp luật cần có quy định cụ thể theo hướng cho phép cơ quan giải quyết tranh chấp có thể xem xét giải quyết các tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh ngân hàng, hợp đồng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng độc lập nếu các quyền, nghĩa vụ bị tranh chấp không phụ thuộc vào hợp đồng chính. Hướng làm này sẽ tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc bảo lãnh của ngân hàng một cách kịp thời, thúc đẩy dịch vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng phát triển, phát huy vai trò to lớn của chúng trong việc tăng tốc độ luân chuyển các nguồn vốn đầu tư.
Nhìn chung, không thể phủ nhận vai trò của bảo lãnh ngân hàng trong kinh doanh ngày nay. Rất nhiều công ty đã có được các khoản vốn cần thiết phục vụ dự án đầu tư kinh doanh của mình thông qua bảo lãnh ngân hàng. Chắc chắn rằng trong tương lai, hoạt động bảo lãnh sẽ còn rất sôi động. Nếu bạn cần đến nguồn vốn đề đầu tư mà đã “đi gõ nhiều cửa” nhưng vẫn chưa huy động được vốn, hãy thử quan tâm đến bảo lãnh ngân hàng xem sao.
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!