Thông tư 200 là thông tư hướng dẫn chế độ kế toán thay cho quyết định 15. Mới mẻ và áp dụng ngay lập tức làm mỗi chúng ta bị sốc.
|
Tại sao phải thay thế Quyết định 15 bằng Thông tư 200 - Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp |
Số hiệu ngày tháng văn bản, các bạn cảm nhận 1 phần nào đó không phải bỗng dưng chúng ta có số 200 ngày 22/12 tròn trịa đến vậy. Thực ra, thông tư này Bộ Tài chính chính thức ký vào cuối tháng 11 năm 2014 nhưng để giúp cho kiểm toán viên, kế toán toàn quốc dễ nhớ số hiệu văn bản BTC quyết định chọn ngày kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam để có một văn bản đồng thời để đánh dấu cái gì đó mới mẻ dễ nhớ, dễ làm.
Thông tư 200 không phải là một cái bình mới rượu cũ mà là một cái rất khác so với quyết định 15. Khi xây dựng thông tư này BTC căn cứ vào một số nguyên tắc để có thể xây dựng chế độ kế toán doanh nghiệp mới:
1. Phù hợp với thực tiễn, hiện đại và mang tính khả thi
Nguyên tắc thứ 1 mà thông tư căn cứ vào đó là: một chế độ chính sách của Nhà nước có hay đến đâu nhưng không đảm bảo phù hợp thực tiễn thì mất đi giá trị của nó, chính vì vậy nên việc đưa chế độ chính sách vào cuộc sống luôn là một yếu tố mà BTC hướng đến khi xây dựng bất cứ quy định nào trong chế độ kế toán doanh nghiệp.
Thông tư 200 lần này có thể nói với các bạn rằng: Chính thức bãi bỏ toàn bộ các quy định bắt buộc về sổ kế toán và chứng từ kế toán.
Chúng ta thấy rằng phải chăng chúng ta phải thực hiện mẫu sổ kế toán và mẫu chứng từ kế toán theo quy định của Bộ Tài chính (BTC) thì chúng ta mới chống được tham ô tham nhũng, chống được những gian lận sai sót và phải làm theo mẫu của BTC thì báo cáo tài chính (BCTC) mới có thể trung thực minh bạch hơn? Điều đó hoàn toàn không phải, việc chúng ta trói buộc nhau bằng những hình thức sổ kế toán, như là nhật ký chứng từ, nhật ký chung, chứng từ ghi sổ…Như quyết định 15 nó không mang lại một sự minh bạch trung thực hơn trong BCTC.
Trong quá khứ thì cũng có những tình huống đáng tiếc đó là một doanh nghiệp (DN) khi sử dụng phần mềm lúc in ra thiếu 1 tài khoản đối ứng, cơ quan thuế vào căn cứ vào mẫu sổ đó quy kết doanh nghiệp không chấp hành chế độ kế toán và cắt toàn bộ ưu đãi thuế. Phải chăng sổ kế toán nếu không có cột tài khoản đối ứng thì nó sẽ làm mất đi tính trung thực, minh bạch của BCTC, và phải chăng nếu sổ kế toán không có cột tài khoản đối ứng thì người ta sẽ không đối chiếu được các số liệu kế toán, điều đó hoàn toàn không phải.
Do đó việc chúng ta quy định phải dụng các hình thức sổ kế toán trước đây: 4 hình thức sổ, hiện nay nó không phù hợp bởi ngày xưa kế toán xây dựng trên cơ sở bằng tay, hiện nay bằng máy, với những quy định trước đây sửa chữa sổ kế toán đưa ra các phương pháp sửa chữa sổ như sửa bằng bút toán đỏ, bằng ghi số âm thì đấy chỉ là bằng tay mới phù hợp chứ bây giờ người ta làm kế toán bằng phần mềm thì đâu ghi bằng bút toán đỏ, nó không phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy chúng ta có sự thay đổi mạnh mẽ trong lần này. Ngoài ra trước đây, chúng ta bắt buộc phải lập phiếu chi, phiếu thu thì phải theo mẫu của BTC, phải chăng phiếu thu, phiếu chi cứ theo mẫu của BTC thì chúng ta sẽ làm cho phiếu thu, phiếu chi đó nó trung thực, nó minh bạch, nó không gian lận, nó không sai sót? Nó không phải như vậy, chính vì thế lần này BTC xây dựng chế độ kế toán trên cơ sở phù hợp hiện tại, phù hợp thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.
2.Tôn trọng bản chất hơn hình thức
Nguyên tắc thứ 2 là nguyên tắc rất lớn, lần này BTC đưa ra nguyên tắc tôn trọng bản chất hơn hình thức.
Đây là một nguyên tắc hoàn toàn mới chưa đưa vào chế độ kế toán Việt Nam bao giờ.
Chúng ta nhìn thấy 2 quyển sách của BTC nó dày khoảng 1500 trang nhưng tôi nghĩ rằng nó dày đến 15.000 trang thì nó cũng không thể bao quát tất cả các tình huống trong thực tế. Bởi vì như chúng ta thấy rằng ngành than có đặc thù khác ngành dầu khí, ngành dầu khí có đặc thù khác ngành bất động sản, ngành bất động sản có đặc thù khác ngành lương thực. Một chế độ kế toán không bao giờ có thể nói hết tất cả các tình huống trong thực tế, mà kế toán thì nó khác thuế, kế toán là một cái môn mà nó dựa vào principle base khác so với thuế hold base nó khác, chính vì vậy người làm công tác kế toán giỏi là người biết vận dụng một cách linh hoạt các nguyên tắc kế toán để xử lý tác nghiệp trong thực tế làm sao để chúng ta có thể lột tả được cái bản chất và cách thức của giao dịch chứ không phải là việc chúng ta xử lý giao dịch theo chứng từ?
Ví dụ: DN thì có thể có rất nhiều chiêu trò, người ta sử dụng từ ngữ này, từ ngữ khác, để thể hiện 1 giao dịch, nhưng phải chăng chúng ta phải kế toán theo tên gọi của giao dịch đó ví dụ bảo mua 2 tặng 1, mua 2 tặng 1 nghĩa là chiêu trò của người kinh doanh đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng, khi nào chúng ta được tặng chúng ta thường cảm thấy chúng ta sung sướng, đây là 1 biện pháp kích cầu để chúng ta mua nhiều hàng hơn nhưng thực chất mua 2 tặng 1 thì là bán 3. Nếu chúng ta thử tưởng tượng nếu chúng ta không mua 2 thì có thể được tặng 1 không?
Thế rồi trong chế độ kế toán doanh nghiệp chẳng hạn thì chúng ta thấy theo quyết định 15, nếu mà thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì do hóa đơn ghi tách riêng dòng thuế và dòng doanh thu và giá bán chưa bao gồm thuế. Nhưng nếu VAT theo phương pháp trực tiếp hoặc là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thì hóa đơn không ghi riêng dòng thuế định kỳ chúng ta mới tách. Mà Quyết định 15 lại nói rằng như vậy thì doanh thu nếu VAT khấu trừ trên BCTC sẽ không bao gồm thuế, thế còn nếu VAT trực tiếp hoặc thuế TTĐB, xuất khẩu hoặc bảo vệ môi trường thì doanh thu trên báo cáo tài chính lại bao gồm thuế. Như vậy phải chăng là vì việc tách ngay thuế hay là không tách ngay thuế mà định kỳ chúng ta mới tách thì bản chất thuế nó thay đổi? Nếu VAT khấu trừ thì bản chất là nó gián thu, còn nếu VAT trực tiếp hoặc các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu, môi trường thì nói lại là không phải mang tính chất của thuế gián thu chăng bởi vì trong lúc này chúng ta phải tính doanh thu trên báo cáo tài chính bao gồm cả thuế? Như vậy về mặt bản chất thì cho dù chúng ta có thể ghi tách ngay thuế hay không tách ngay thuế thì cũng không thể làm ảnh hưởng thuế đó vẫn là thuế gián thu, cho dù nộp trực tiếp hay theo phương pháp khấu trừ thì đấy chỉ là khác nhau về mặt cách tính thuế chứ không phải là nó làm thay đổi được bản chất là thuế gián thu.
Trong quá khứ đã có rất nhiều tình huống như: Ví dụ Tập đoàn Dầu khí có 1 mảnh đất đi thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN không được phép cho thuê lại mảnh đất, chính vì thế họ phải ký lại một cái BBC để hợp tác kinh doanh với 1 bên khác nhưng cái BBC này cho phép Tập đoàn Dầu khí luôn nhận một khoản lợi nhuận cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của BBC. Vậy về bản chất, đây là hoạt động cho thuê đất chứ không phải hợp đồng hợp tác kinh doanh bởi vì một hợp đồng hợp tác kinh doanh đúng nghĩa phải quy định lời ăn lỗ chịu mỗi bên được ăn chia theo tỷ lệ hợp đồng hợp tác kinh doanh theo theo tỷ lệ góp vốn chứ làm sao có thể nói được 1 bên luôn nhận được 1 khoản lợi nhuận cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của BBC.
Thế thì lần này mọi vấn đề đặt ra đều quy về bản chất. Một ví dụ nữa tức là đáng để xem xét, theo Quyết định 15 thì lại cho phép trong 1 giao dịch xuất nhập khẩu ủy thác cho phép bên nhận ủy thác tức là bên đi làm dịch vụ ghi nhận toàn bộ giao dịch đó như giao dịch của chính mình và theo đó thì hàng nhận ủy thác xuất nhập khẩu lại được ghi vào bảng CĐKT rồi các khoản nợ phải thu, phải trả phát sinh từ các giao dịch xuất nhập khẩu ủy thác được phản ánh như là phải thu khách hàng, phải trả người bán và được đứng tên trên hồ sơ kê khai thuế ở cơ quan hải quan nên được ghi nhận nghĩa vụ với Nhà nước trên tài khoản 333 chẳng hạn. Như vậy sẽ trái so với bản chất kinh tế, bởi vì bên nhận ủy thác là bên đi làm dịch vụ, tất cả những hàng hóa nhận ủy thác đều không phải là hàng của mình, tất cả những nghĩa vụ thanh toán đều là những nghĩa vụ thu hộ trả hộ thì làm sao có thể coi được đấy là khách hàng của mình, đấy là người bán trực tiếp cho mình để mà sử dụng các cái tài khoản 131, 331.
Và lần này BTC nói vui người làm công tác kế toán thậm chí không cần đọc chế độ kế toán vẫn có thể làm được kế toán ở một chừng mực nào đó bởi vì nếu người làm công tác kế toán hãy đặt mình vào bối cảnh của giao dịch, đưa mình vào vị thế của người tham gia giao dịch và yêu cầu chỉ cần lột tả giao dịch đó đúng bản chất thì chúng ta sẽ thực hiện được đúng chế độ kế toán.
Lần sửa đổi này chưa đạt được mong muốn kỳ vọng của BTC vì sự trói buộc của luật kế toán. Đó là luật kế toán chưa được Quốc hội thông qua nên bộ phận liên quan đến giá trị hợp lý lần này chưa xử lý được triệt để trong chế độ kế toán mà còn phải chờ đến tháng 11 năm nay, khi Quốc hội ban hành luật kế sau đó mở đường cho việc tài sản và nợ phải trả được ghi nhận theo giá trị hợp lý thì lúc này chúng ta mới có 1 cái sửa đổi bổ sung liên quan đến bảng giá trị hợp lý thì lúc này chúng ta mới hi vọng chế độ kế toán chúng ta đi sát với thông lệ quốc tế.
Và một điều nữa chưa đạt được kỳ vọng là BTC dự kiến bãi bỏ toàn bộ số hiệu tài khoản kế toán, không quy định một hệ thống tài khoản thống nhất như hiện nay chúng ta đang làm. Tuy nhiên, đề xuất của BTC với lãnh đạo BTC về việc bãi bỏ toàn bộ số hiệu tài khoản kế toán không được thông qua, do BTC nói rằng vẫn còn doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, trình độ quản lý của các cơ quan quản lý địa phương còn tương đối hạn chế như Cục thuế, Sở Tài chính địa phương, nếu ta cải cách quá mạnh mẽ thì các đối tượng bị điều chỉnh của thông tư chưa theo kịp dẫn đến mất đi sự khả thi trong thực tế. Lần này tạm thời như vậy.
3. Linh hoạt và mở
Nguyên tắc thứ 3, BTC đưa ra lần này khi xây dựng chế độ kế toán là BTC giơ cao ngọn cờ mong muốn toàn bộ kiểm toán viên như cánh tay nối dài của BTC, hãy truyền đạt đến tất cả các doanh nghiệp, đó là chúng ta xây dựng một chế độ kế toán tách biệt, độc lập với chính sách thuế. Chúng ta đã nếm trải khá nhiều những cái cảm giác với cơ quan thuế, đã lệ thuộc vào cơ quan thuế quá nhiều, chế độ kế toán trước đây cũng vậy.
Tôi lấy ví dụ: Trong Quyết định 15, người ta quy định khi luân chuyển hàng hóa giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc của 1 doanh nghiệp, nếu xuất hóa đơn thì buộc phải ghi doanh thu, nếu xuất phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thì không phải ghi doanh thu. Quy định đó là bắt buộc, thế thì phải chăng 1 tờ giấy gọi là hóa đơn thì tạo ra doanh thu cho DN, không gọi là hóa đơn thì không tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp? Lần này, chúng ta sẽ không thể để chế độ kế toán lệ thuộc vào tờ giấy gọi là hóa đơn hay Phiếu xuất kho. Chế độ kế toán lần này lấy DN là trung tâm, hướng hết tất cả về doanh nghiệp về công chúng. Chúng ta chỉ nên coi thuế là 1 đối tác, một chủ nợ của DN chứ không coi thuế là tất cả như ngày xưa nữa. Nếu BTC hiệu triệu mà chúng ta không đi theo thì chúng ta sẽ mãi mãi chỉ có 1 chế độ kế toán lệ thuộc vào chính sách kế toán thuế và sẽ không thể cởi trói sự lệ thuộc của người làm công tác kế toán vào cơ quan thuế. Chắc quý vị đi các DN đã biết sự áp đặt của cơ quan thuế vào chế độ kế toán của DN nó dữ dội như nào, thế rồi những sự can thiệp hết sức thô bạo của cơ quan thuế vào báo cáo tài chính của DN như thế nào. Chính vì vậy để tránh cho DN, tránh cho người làm công tác kế toán các tác động mang tính tiêu cực của cơ quan thuế đối với việc lập BCTC. Lần này chúng ta kiên quyết xây dựng 1 chế độ kế toán tách rời, độc lập với chính sách thuế, không phụ thuộc với chính sách thuế. Điều này không có nghĩa chúng ta đẩy thuế ra xa, mà có nghĩa chúng ta xây dựng một chế độ kế toán không lệ thuộc vào chính sách thuế, nếu chính sách thuế có quan điểm trùng với chế độ kế toán thì đó là điều tốt, nhưng nếu chính sách thuế quan điểm khác với chế độ kế toán thì chúng ta không nhìn đến quy định của chính sách thuế để làm BCTC theo chính sách thuế.
4.Phù hợp với thông lệ quốc tế
Một nội dung tiếp theo, BTC xây dựng chế độ này dựa trên việc cập nhật tối đa những cái gì có thể của IFRS cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng gặp không biết bao nhiêu trở ngại. Bởi mỗi lần chúng ta nghiêng theo phía quốc tế lập tức gặp rào cản của pháp luật VN, vậy để làm sao phù hợp với một mức độ của IFRS nhưng lại có thể chấp nhận được đối với VN, đảm bảo không va với pháp luật VN.
Lần này buộc phải phá rào ở một số trường hợp nhất định nếu không phá rào thì không có 1 chế độ kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế.
Kể cả phá rào đi nếu đánh giá chế độ kế toán lần này chỉ được mới được 40-50% phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Do khác biệt chủ yếu giữa VN và quốc tế là Cost và Fair value. Chừng nào chưa tháo gỡ được điểm mấu chốt giữa Cost và Fair value thì chừng đó chưa thể nói được việc phù hợp giữa VN và quốc tế.
BTC cũng cập nhật thêm một số nội dung của chuẩn mực quốc tế: Chuẩn mực số 21 về chênh lệch tỷ giá, chuẩn mực số 36 về tổn thất tài sản, chuẩn mực 16 về TSCĐ và IFRS 15 mới của quốc tế về doanh thu và 1 số chuẩn mực về trình bày BCTC, bất động sản đầu tư, chuẩn mực hợp nhất BCTC cũng như chuẩn mực về hàng tồn kho, rất nhiều chuẩn mực mới đã đưa nội dung mới vào thông tư lần này.
5.Đề cao trách nhiệm của người hành nghề
Lần này, để đề cao trách nhiệm của người công tác hành nghề kế toán tức là công ty dịch vụ kế toán, thì yêu cầu trên phần sổ kế toán người làm dịch vụ kế toán phải ký tên, trên BCTC tại chỗ người lập biểu, lập báo cáo, người hành nghề phải ký tên để vừa nâng cao vị thế người hành nghề, vừa để trói buộc trách nhiệm khi đã ký vào báo cáo. Lúc này, người ta sẽ chịu trách nhiệm lớn hơn với công việc của người ta, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán được cung cấp trong nền kinh tế.
Đó là vắn tắt 1 số nguyên tắc đưa ra để xây dựng chế độ kế toán lần này.
Chúng ta biết rằng 1 chế độ kế toán rất là dài, nên lần này BTC xin báo cáo thông tư 200 dưới góc độ là chỉ tóm tắt những vấn đề mang tính cốt lõi mà chúng ta không đi sâu vào các bút toán nợ có, mà chúng ta đi sâu vào việc chúng ta phân tích về đạo lý, bản chất của những nội dung có sự thay đổi thay vì kĩ thuật nợ có đơn thuần. Bởi đối với chúng ta kế toán không đơn thuần là nợ có, mà kế toán nó còn là bộ máy để mô tả bản chất và cách thức vận hành của các giao dịch trong DN.
Note: Bài viết này dựa trên nội dung bài giảng đào tạo thông tư 200 của BTC.
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!