Sự đó kĩ luôn tồn tại bên trong mỗi con người |
Tính đố kỵ khiến ta đối đầu với chính mình và người khác. Nó quấy rầy sự bình yên trong tâm hồn, kích động cảm giác xấu hổ và tội lỗi. Từ tận gốc rễ của nó, đố kỵ về cơ bản là xấu xa vì nó làm nổi bật những gì ta còn thiếu sót và nó làm ta căm ghét những gì tốt đẹp hơn mình.
Về mặt ý thức, đố kỵ gây đau khổ vì nó dựa trên cảm giác thiếu thốn. Ta nhìn sang hàng xóm hoặc đồng nghiệp và thèm muốn những gì họ có, tưởng tượng cuộc sống của họ sao mà đẹp đẽ, hạnh phúc và thỏa mãn hơn cuộc sống của ta gấp nhiều lần. Theo nhà soạn kịch Eve Ensler, tác giả vở "The Vagina Monologues", chủ nghĩa vật chất đã khéo léo gieo rắc vào ta khao khát và ham muốn về những gì người khác có, thay vì chấp nhận những gì ta vốn có. Khi ấy, chẳng có gì ngạc nhiên khi tính đố kỵ dẫn đến trầm cảm, lo âu, bất cần và cách nhìn nhận tồi tệ về bản thân.
Nguồn gốc, tính đố kị phá hỏng ý thức tốt đẹp của ta về bản thân. Ta cảm thấy thiếu thốn, nhỏ nhoi và không xứng đáng. Với những người phụ nữ tự phán xét bản thân vì những lý tưởng của xã hội hiện đại, họ khao khát có vóc dáng xinh đẹp hơn, nhà cửa khang trang hơn, người bạn đời quyến rũ hơn, tiền bạc dồi dào hơn, sự nghiệp thành công hơn, con cái tài giỏi hơn...Vấn đề càng trầm trọng hơn khi dưới tác động của tính đố kị, ta cảm thấy mọi người xung quanh dường như có tất cả những điều đó. Bạn sẽ phải làm gì khi đối diện trực tiếp với áp lực như vậy?
Thành thật mà nói, hầu hết chúng ta đều chọn lối thoát đơn giản nhất: ta cố gắng cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn hoặc tìm cách phá hỏng những gì tốt đẹp của người khác. Đây là lý do thật sự cho việc tại sao tính đố kị lại độc hại đến vậy. Khao khát những gì mình không có là một chuyện, nhưng tấn công những điều tốt đẹp ở người khác thì tồi tệ hơn rất nhiều. Ở quy mô nhỏ, mặt đen tối của tính đố kị là nguồn gốc của những lời bàn tán, tính nhỏ nhen, những lời kêu ca phàn nàn và tất cả cách hành xử của những anh chàng/cô nàng xấu tính. Ở quy mô lớn hơn, đó là nguồn gốc của sự bế tắc chính trị, khủng bố...Đây chỉ là một vài ví dụ. Lối thoát nhanh chóng và dễ dàng khỏi nỗi đau gây ra bởi tính đố kị là tấn công những cái tốt, dù cho điều đó nghĩa là phá hoại.
Phá hủy thì dễ hơn nhiều so với xây dựng. Một tin đồn có thể phá hủy cả sự nghiệp hoặc cuộc hôn nhân; một bức ảnh không đẹp trên Facebook làm hỏng tiếng tốt của ai đó. Làn sóng tiêu cực rất đáng gờm, và những cuộc tấn công xuất phát từ tính đố kị có tác động rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, không ai chiến thắng nhờ kiểm soát tính đố kị bằng cách đó. Chẳng ai cảm thấy dễ chịu, chẳng có điều gì tích cực được hoàn thành, và cái vòng luẩn quẩn tiêu cực “thiếu thốn trở thành oán giận” cứ lặp đi lặp lại không hồi kết. Bạn chỉ có thể tìm thấy liều thuốc giải cho tính đố kị bằng cách tham gia vào cuộc chơi lâu dài: phát triển bản thân từ những điều tốt đẹp mà bạn vốn có.
Hãy lắng nghe câu chuyện về nghệ sĩ violin Itzhak Perlman, người mắc bệnh bại liệt ngay từ khi còn nhỏ. Ông phải mang nẹp cố định hai chân và di chuyển bằng nạng chống. Trong các buổi hòa nhạc, ông luôn quyết tâm bước ra sân khấu mà không cần hỗ trợ. Khán giả chứng kiến điều đò trong sự lo lắng và thương cảm.
Buổi biểu diễn hôm đó cũng như bao buổi hòa nhạc khác. Sau khi Perlman vất vả tự bước ra sân khấu, ông ra hiệu cho người chỉ huy dàn nhạc bắt đầu. Khi đang say mê kéo vĩ thì một sợi dây trên chiếc violin của ông bị đứt, tạo nên thứ âm thanh rất khó nghe. Ai cũng cho rằng ông phải dừng cả dàn nhạc lại để thay dây đàn hoặc mượn một chiếc violin khác.
Sau khi toàn bộ dàn nhạc dừng lại, chỉ huy quay sang nhìn Perlman xem ông muốn làm như thế nào. Trước sự ngỡ ngàng cộng chút sốt ruột của đám đông, ông giơ ngón tay ra hiệu chờ một chút. Perlman nhắm mắt lại, lấy lại bình tĩnh và tập trung tinh thần, khi đã sẵn ông ra hiệu mình đã sẵn sàng và muốn tiếp tục. Dàn nhạc tiếp diễn như chưa từng có gì xảy ra, còn Perlman đơn giản chỉ chơi đàn bằng 3 dây.
Nhiều người trong chúng ta sẽ cho rằng đó là chuyện cổ tích, vì bạn không thể kéo một chiếc đàn violin chỉ có 3 dây. Tuy nhiên, nếu ai làm được điều này thì đó là Itzhak Perlman. Hãy nhắm mắt lại, tự tưởng tượng ra cảnh tượng trong buổi hòa nhạc ấy, rằng Perlman đã nỗ lực, ứng biến như thế nào để xử lý những nốt nhạc quanh sợi dây đàn bị đứt. Dĩ nhiên nguyên tác của bản nhạc đã bị "mô-đi-phê" đi khá nhiều nhưng đó là một bản nhạc xuất sắc làm mê đắm tất cả khán giả, nó còn hay hơn cả bản nhạc người muốn đến để thưởng thức ban đầu.
Sau khi kết thúc buổi diễn, trái tim của người đàn ông có cơ thể không còn lành lặn đập thình thịch. Perlman đưa tay lau mồ hôi trên trán, còn khán giả thì sững sờ trước khi đứng dậy và vỗ tay nhiệt liệt.
"Đôi khi, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là tạo ra âm nhạc với tất cả những gì còn lại", ông chia sẻ.
Xét về tâm lý học, chân lý trong câu chuyện về Itzhak Perlman không chỉ cho chúng ta thấy thái độ của ông đối với âm nhạc, mà còn cả thái độ sống. Có một sự thật mà không ai có thể phủ nhận, dù có nỗ lực đến mức nào đi chăng nữa chúng ta sẽ không bao giờ có được tất cả, sẽ luôn có thứ gì đó thiếu sót. Dù đó là đôi chân tật nguyền, một sợi dây đàn bị đứt...Nhưng hãy nhớ rằng: nếu có thứ gì thiếu sót thì sẽ luôn có cái còn lại.
Perlman quyết định lựa chọn thái độ cho rằng những gì còn lại vẫn đủ tốt đẹp và như vậy là đủ. Đã là con người, chúng ta đều đã, đang và sẽ gặp phải những chuyện không may trong cuộc sống dưới nhiều cách, bản thân ta hiểu ý nghĩa của mỗi sự thiếu thốn.Sự đố kỵ thì thầm với chúng ta rằng, ở xung quanh luôn có người được sở hữu tất cả mọi thứ. Thử thách trong cuộc sống là làm điều gì đó tốt đẹp với những gì chúng ta vốn có, cách tốt nhất để thực hiện việc đó là nên tự nhận ra, biết ơn và tận dụng những gì sẵn có theo cách tích cực nhất có thể.
Genk/Trí thức trẻ và Ybox.vn
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!