Popular Posts

 Dự Trữ Ngoại Hối Tăng Là “Gánh Nặng” Cho NHNN?

Sau khi mua được lượng ngoại tệ đủ cho mức dự trữ bình quân 14 tuần nhập khẩu (đã ở mức an toàn) mà cứ phải mua thêm ngoại tệ để giữ giá thì đây là “gánh nặng” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).


Trong những năm qua, đặc biệt 8 tháng đầu 2016, thị trường ngoại hối và tỉ giá khá ổn định cùng với nguồn cung ngoại tệ dồi dào (cán cân thanh toán tổng thể thặng dư cao, nguồn vốn FDI, ODA giải ngân tăng khá, kiều hối về nhiều) giúp NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, liên tục gia tăng dự trữ ngoại hối (DTNH) lên mức kỷ lục.
Năm 2011 quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn 7 tỉ đô la Mỹ, đến tháng 4.2014 đạt trên 35 tỉ đô la, khoảng tháng 7.2015 lên 37 tỉ đô la Mỹ. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2016, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết 9 tháng qua NHNN đã mua vào 11 tỉ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 40 tỉ USD. Ngoại tệ dự trữ được NHNN mua chủ yếu từ các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế và Kho bạc Nhà nước.
DTNH tăng mạnh giúp Việt Nam thêm an toàn cho các nhu cầu nhập khẩu (NK) hàng hóa và dịch vụ trong tương lai, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam và làm yên lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh lạm phát thấp, nền kinh tế khó khăn khi sức cầu hàng hóa còn yếu, hàng hóa Việt Nam phải hướng ra thị trường quốc tế để tiêu thụ, thì việc NHNN vẫn “phải” liên tục gia tăng mua ngoại tệ khiến cơ quan này đang mang một “gánh nặng” với một bên là cung tiền, còn bên kia là nỗi lo lạm phát.
Đỡ giá cho xuất khẩu
Như chúng ta biết DTNH là một loại tài sản của Nhà nước được cất giữ chủ yếu dưới dạng các loại ngoại tệ hoặc vàng và thường được gửi ở NH nước ngoài. Theo một chuyên gia, với một quốc gia đang phát triển, nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế bao giờ cũng ở mức cao thì việc DTNH quá lớn so với nhu cầu dẫn đến lãng phí, gia tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tiền. Điều này giống như một doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển cần vay nhiều vốn để mở rộng kinh doanh nhưng lại cứ gia tăng gửi tiền tiết kiệm quá mức. Việt Nam cũng vậy, vì còn phải đầu tư nhiều, do đó không thể và không nên dành một nguồn lực quá lớn để dự trữ vì nguồn vốn “chết” này không trực tiếp giúp tăng trưởng kinh tế.
Xét quan hệ cung cầu ngoại tệ trong 8 tháng đầu năm 2016, dù DTNH đã ở mức gọi là an toàn thì NHNN vẫn phải mua ngoại tệ vì còn mục tiêu đỡ giá cho xuất khẩu (XK). Nền sản xuất của VN đã có độ mở cao lại được định hướng về XK, nên chính sách tỉ giá phải hỗ trợ cho XK là lẽ đương nhiên, nếu NHNN hạn chế mua ngoại tệ sẽ làm đồng nội tệ lên giá, bất lợi cho nền kinh tế. Cứ nhìn Trung Quốc dùng chính sách tỉ giá tác động lên việc XK của quốc gia này sẽ rõ.
Nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước đây khi trả lời chất vấn Quốc hội đã cho biết từ tháng 6.2014 NHNN chủ động điều chỉnh 1% tỉ giá, sau chưa đến 10 ngày thị trường đã điều chỉnh theo mặt bằng tỉ giá mới nhưng theo hướng nằm sâu dưới đáy của mức tỉ giá đó, thậm chí thấp hơn cả mức tỉ giá trần của tỉ giá cũ, buộc NHNN phải thiết lập mức mua của NHNN là 21.200 đồng/USD, cao hơn tỉ giá bình quân để không làm tỉ giá rớt sâu xuống, nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Suốt hai năm qua, trừ một số thời điểm còn phần lớn thời gian là NHNN phải mua ngoại tệ để tỉ giá không giảm sâu quá mức giá mục tiêu mà NHNN muốn giữ.
Liên tục phải hút tiền VND về
Xét bối cảnh bội chi của Việt Nam thì tiền mua ngoại tệ dự trữ khó có thể từ nguồn kết dư ngân sách, có lẽ phải bằng nguồn vốn phát hành. Đây thực sự là “gánh nặng” của NHNN khi phải điều hành chính sách tiền tệ trong mối quan hệ lạm phát-tỉ giá (phải đảm bảo duy trì lạm phát thấp và vẫn tỉ giá ổn định mà vẫn hỗ trợ được cho XK) phục vụ việc phát triển kinh tế.
DTNH tăng cao kỷ lục, lượng ngoại tệ mua nhiều đồng nghĩa với một lượng lớn nội tệ được bơm vào nền kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tái lạm phát cao. Năm 2007, khi NHNN mua 7 tỉ USD bổ sung cho DTNH nhưng không hút tiền đồng về tương ứng khiến năm 2008 lạm phát lên đến 23%.
Mặc dù những năm qua, NHNN luôn chú ý đến các giải pháp hút tiền về qua kênh nghiệp vụ thị trường mở để trung hòa lượng tiền đồng và điều hòa thanh khoản cho hệ thống, nhưng nếu NHNN cứ mua vào ngoại tệ mãi bằng nguồn phát hành thì việc rút tiền đồng từ lưu thông cũng sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. đặc biệt trong những tháng còn lại của năm 2016 khi xuất khẩu hàng hóa gia tăng để đáp ứng nhu cầu lễ tết; nguồn vốn FDI, ODA, kiều hối vẫn đang đổ mạnh vào trong nước... thì việc giữ tỉ giá ở mức tỉ giá mục tiêu mà không làm tăng cung tiền thái quá trong lưu thông không đơn giản chút nào.
Tiền trong lưu thông hiện vẫn nhiều, NHNN phải đẩy mạnh hoạt động phát hành tín phiếu ngắn hạn để hút bớt tiền về. Theo Bản tin trái phiếu tuần số 38 (từ 26.9 đến 30.9.2016) của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tuần qua NHNN hút ròng 13.231 tỉ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất của tín phiếu kỳ hạn 14 ngày vẫn xoay quanh mức rất thấp 0,5%/năm; trong khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ ở cả ba kỳ hạn cho thấy thanh khoản của hệ thống đang dư thừa.... Những vấn đề trên là mặt không bình thường của việc tăng DTNH lên mức kỷ lục hiện nay của Việt Nam.
Theo Lan Hương - Tuấn Thành
Lao động
- - 0 bình luận
CHUYÊN MỤC
  • Google Comment (0)
  • Facebook Comment ()
  • Emotion
  • Một số lưu ý khi bình luận

    Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước

    Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời

    Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!

  • :))
    :((
    :D
    :(
    :)
    :-)
    ;)
    =))
    :p
    =.=
    ==
    ^_^
    /=he
    :*
    /=r
    /=l
    :v
    /=ok
    /=clap
    (y)
    (yy)
    /=hi
    /=j
    /=hup
    /=hd
    /=hl
    /=hr
    /=s
    <3