Mặc dù đã hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh năm 2015 nhưng khi đề ra mục tiêu cho năm 2016, nhiều ngân hàng đang thể hiện sự khiêm tốn.
VPBank là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng khá nóng thời gian gần đây. Tuy ghi nhận lợi nhuận "chưa từng thấy" trong năm 2015, trên 3.000 tỷ đồng nhưng ban lãnh đạo VPBank bất ngờ chỉ đưa mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 3.200 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 3,3% so với thực hiện năm trước, trong khi đó mục tiêu cho vay khách hàng tăng trưởng 33,8% so năm 2015.
Lợi nhuận sau thuế Bac A Bank năm 2016 cũng chỉ dự kiến đạt 400 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015.
Ngay cả những “đại gia” ngân hàng cũng đang thận trọng khi đưa ra mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức khá dè dặt.
Tăng 26% lãi trong năm 2015, song khi đặt kế hoạch năm 2016, lãnh đạo BIDV lại đưa ra mục tiêu lợi nhuận 7.900 tỷ, giảm 49 tỷ so với cùng kỳ. Năm ngoái, nếu bao gồm phần lỗ lũy kế của ngân hàng MHB tại thời điểm sáp nhập (-476 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 7.473 tỷ đồng.
Tương tự, Vietinbank năm nay cũng chỉ đưa ra con số 7.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng vỏn vẹn 8% so với thực hiện năm 2015.
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vừa qua, nhiều cổ đông Vietcombank cũng đã gửi thắc mắc tại sao năm 2016, Vietcombank đặt mục tiêu dư nợ khách hàng đạt 452.967 tỷ đồng, tăng 17%, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng, chỉ tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2015, không tăng tương ứng với tín dụng.
Để giải đáp băn khoăn này, Chủ tịch HĐQT ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trong nền kinh tế hiện nay, nếu tập trung cho vay có lãi suất quá cao, lợi nhuận đồng nghĩa tăng mạnh nhưng rủi ro sẽ phải trả giá sau này.
“Ngân hàng cần tăng trưởng nhưng phải đảm bảo chất lượng hiệu quả, vì thế chúng tôi tìm khách hàng tốt, cạnh tranh bằng lãi suất, nhưng không có nghĩa hệ số NIM năm 2016 phải cao hơn 2015, có chăng chúng tôi đang muốn cải thiện là hệ số sử dụng vốn”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Thay vào đó, các ngân hàng đang tập trung vào kế hoạch tăng vốn do việc áp dụng Basel II sẽ khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng giảm, theo đó, yêu cầu vốn tăng lên do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Như vậy, khác với "tham vọng khuếch đại" con số lợi nhuận như những năm trước, các ngân hàng đang hướng đến những bước đi thận trọng nhiều hơn là tăng trưởng nóng.